Công ty phát hành | NXB Tri Thức |
Dịch Giả | Nguyễn Văn Trọng |
Loại bìa | Bìa mềm |
Nhà xuất bản | Nhà Xuất Bản Tri Thức |
Tác phẩm Ý nghĩa của lịch sử - Trải nghiệm triết học số phận con người của triết gia Nga N. Berdyaev trình bày một cách nhìn lịch sử nhân loại từ quan điểm của một triết gia Kitô giáo. Những tiền đề siêu hình học cho cách tiếp cận của ông mang đậm tinh thần của Kitô giáo nên rất có thể những người vô thần sẽ không thể tiếp thu được, và sẽ xem các tiên đề ấy như những điều huyền hoặc. Nhưng nếu vì vậy mà đóng cuốn sách lại không thèm đọc tiếp, thì sẽ mất đi cơ hội suy tưởng trầm tư những kiến giải sâu sắc của ông về quá trình lịch sử của nhân loại. Vào thế kỉ XVII giới trí thức châu Âu cũng đã từng gạt bỏ học thuyết cơ học của Newton suốt trong 70 năm chắc cũng vì lí do tương tự: tiền đề động lực học của Newton cho rằng vật thể chuyển động tuân theo phương trình toán học hẳn cũng đã bị coi là huyền hoặc! Dần dà rồi cũng có những người tò mò muốn kiểm chứng lí thuyết Newton và họ đều phải kinh ngạc về sự trùng khớp giữa lí thuyết và thực nghiệm. Những người có đầu óc thực dụng bắt đầu sử dụng cơ học của Newton như phương tiện cho những phát minh công nghệ. Họ đã tạo ra các máy móc với kết quả là sự ra đời của hệ thống sản xuất công nghiệp. Khoa học vật lí dần dần trở thành đức tin của mọi người, và các môn khoa học khác đều được xây dựng theo khuôn mẫu đó. Khoa học được sùng bái như chân lí và người ta lấy khoa học đối lập với tôn giáo. Trải nghiệm này gợi ý rằng, người ta nên đọc các kiến giải của Berdyaev và đối chiếu với những sự kiện lịch sử đã biết, để xem chúng có khớp nối được với nhau không.
Berdyaev nhận xét rằng khi con người sống trong một thời kì tương đối ổn định nào đó thì thường chưa có được nhận thức lịch sử về thời kì đó do thói quen tư duy tĩnh tại. Nhưng khi sự vận động lịch sử bắt đầu xảy ra với các tai biến và thảm họa, vốn là thứ xảy ra lặp đi lặp lại trong lịch sử nhân loại, những biến cố lịch sử ấy thường dẫn đến tình trạng chủ thể nhận thức lịch sử không cảm thấy mình hiện hữu trực tiếp và toàn vẹn ở trong đối tượng lịch sử. Những thời kì như vậy sẽ sinh ra phản tư nhận thức lịch sử. Thế nhưng tình trạng này không thuận lợi cho việc thấu hiểu đích thực quá trình lịch sử, vì xảy ra đứt đoạn giữa chủ thể và khách thể. Chỉ khi chủ thể nhận thức lịch sử vượt qua được tình trạng phân đôi ấy và tiếp nhận biến cố lịch sử như một thực tại ở bên trong thế giới tinh thần của chính mình, chứ không như một thứ từ bên ngoài áp đặt bạo lực đối với mình mà mình phải chống lại; chỉ khi đó nhận thức lịch sử chân chính mới là khả dĩ.
Berdyaev hiểu lịch sử như một bi kịch của số phận con người, vì con người là đứa con của Thượng Đế (chứ không phải của thế giới tự nhiên). Con người được phú cho TỰ DO, vốn là một thứ phi lí tính đầy huyền bí. Tự do ấy là ngọn nguồn của tính bi kịch trong lịch sử, bởi vì tự do hàm nghĩa cả tự do của điều thiện cũng như cả tự do của cái ác. Ông viết: “Con người như đứa con của Thượng Đế được phú cho cái tự do ấy, nên vì vậy tự do đó là ngọn nguồn tính bi kịch của số phận con người, bi kịch của lịch sử cùng với tất cả những xung đột và thảm cảnh, tự do theo chính thực chất của nó đề xuất tự do không chỉ của điều thiện, mà còn của cái ác nữa. Giả sử như chỉ hiện hữu có tự do của điều thiện, tự do của Thượng Đế, như một tiền định nào đó ở số phận con người, nếu thế thì hẳn đã chẳng có quá trình thế giới. Quá trình thế giới và quá trình lịch sử hiện hữu bởi vì tự do của điều thiện và của cái ác được đặt vào cơ sở của nó, tự do rời khỏi ngọn nguồn của đời sống Thượng Đế cao cả, tự do trở về và đi đến với nó. Tự do ấy của cái ác là cơ sở đích thực của lịch sử”.
Từ những tiền đề tôn giáo Berdyaev đưa ra những kiến giải về các thời kì của lịch sử nhân loại: thời Cổ đại, Trung thế kỉ, Phục hưng, Khai sáng và Tân lịch sử. Những thời kì này diễn ra từ thời Hi Lạp Cổ đại cho đến cuối thế kỉ XIX. Những kiến giải của ông xung đột với các định kiến quen thuộc của khá nhiều người